PGS. Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội, dự báo điểm chuẩn Xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy năm nay dựa trên phổ điểm và xu hướng lựa chọn ngành học của thí sinh.

Điểm chuẩn dự báo các chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội theo phương thức điểm thi ĐGTD

Điểm chuẩn dự báo trên thang 100 điểm bao gồm điểm thi Đánh giá tư duy, điểm ưu tiên (điểm khu vực, đối tượng) và điểm thưởng (IELTS). Ngưỡng đảm bảo chất lượng, hay mức điểm xét tuyển tối thiểu đối với phương thức xét bằng điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến là 50 điểm.

Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thí sinh có điểm xét tuyển trong khoảng điểm chuẩn dự báo hoàn toàn có thể tự tin đăng ký các chương trình đào tạo tương ứng của Nhà trường.

Điểm chuẩn dự báo trên không phải điểm sàn mà chỉ mang tính chất tham khảo và hỗ trợ thí sinh trong quá trình đăng ký nguyện vọng. Chính vì vậy, PGS. Trung Kiên cũng khuyên thí sinh có thể đặt nguyện vọng xét tuyển vào các chương trình đào tạo có điểm chuẩn dự báo cao hơn điểm xét tuyển dự kiến của mình. “Thí sinh có điểm xét tuyển là 55-56 hoàn toàn có thể đăng ký nguyện vọng các ngành học có mức điểm chuẩn dự báo cao hơn ví dụ như EE-E8 hay MI1”, Trưởng phòng Tuyển sinh giải thích.

Khoảng điểm dự báo được đưa ra trên cơ sở phổ điểm, số lượng thí sinh từ hai đợt thi và các khảo sát, tính toán về xu thế lựa chọn tổ hợp xét tuyển, mức độ quan tâm ngành học và sự dịch chuyển của các nhóm ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, PGS. Trần Trung Kiên cũng dành lời khuyên cho các thí sinh trước khi bước vào giai đoạn đăng ký nguyện vọng (10/7 – 30/7/2023): với số lượng nguyện vọng không hạn chế, thí sinh nên căn cứ vào điểm xét của mình, khoảng điểm chuẩn dự báo để đăng ký một cách “thông minh” nhất, mạnh dạn xếp các nguyện vọng yêu thích lên trên.

Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh hình thức đăng ký xét tuyển, tạo thuận lợi cho thí sinh, tránh nhầm lẫn, bỏ sót. Qua đó thí sinh chỉ cần đăng ký Trường (cơ sở giáo dục đại học) và Chương trình đào tạo (theo mã xét tuyển của chương trình), không phải quan tâm đến tổ hợp và mã phương thức xét tuyển. Hệ thống xét tuyển sẽ dựa trên dữ liệu điểm mà thí sinh có để xét tuyển với mục tiêu tối ưu nhất cho thí sinh.

Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, dữ liệu để xét tuyển sẽ gồm danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức Xét tuyển tài năng, điểm xét theo kết quả Kỳ thi Đánh giá tư duy và điểm xét theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thí sinh được kiểm tra an ninh trước khi vào phòng thi Đánh giá tư duy đợt 1

Ngày 8/7 đã diễn ra đợt thi cuối cùng của Kỳ thi Đánh giá tư duy năm 2023. Đợt thi này có sự tham gia của gần 9,000 thí sinh, ghi nhận số lượng đăng ký cao nhất trong 3 đợt thi năm nay. Sau khi đóng cổng đăng ký trực tuyến, tổng số lượng thí sinh đăng ký dự thi là gần 11,000 thí sinh với hơn 20,000 lượt thi cho cả 3 đợt.

Kỳ thi Đánh giá tư duy được tổ chức tại 9 cụm thi: Hà Nội (10 trường đại học, học viện); Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng. Kết quả của kỳ thi có thể được sử dụng để xét tuyển đại học vào 32 trường ĐH, học viện trên cả nước và có giá trị trong vòng 2 năm.

Ngày 1/6/2023, Hội đồng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2023. Theo đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy là 7.985 sinh viên, trong đó 15-20% cho phương thức xét tuyển tài năng, 85-90% xét tuyển theo điểm thi (Tốt nghiệp THPT và Đánh giá tư duy).

Nguồn Hust.edu.vn