Theo PGS. TS Vũ Duy Hải, Phó trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều ngành học không theo hot trend nhưng vẫn luôn có nhu cầu việc làm lớn.

PGS.TS Vũ Duy Hải cho hay qua thực tiễn tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, hiện tại thí sinh đang quan tâm nhiều tới các ngành học liên quan tới các lĩnh vực ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, IoT, Tự động hóa… vì trong những năm qua, cả thế giới đều đề cập tới nội dung này.

Tuy nhiên, một số ngành học truyền thống, cốt lõi của nền công nghiệp, hay Việt Nam có thế mạnh, nhu cầu về nguồn lao động lớn nhưng thí sinh ít quan tâm hơn như nhóm ngành về Vật liệu, Cơ khí, Chế tạo máy, Dệt may, Môi trường, Hóa học, Nhiệt lạnh… Lý do là các ngành này ít được nhắc tới hơn trên các phương tiện truyền thông, thí sinh cho rằng đây không phải là lĩnh vực thuộc top “Hi-Tech”.

Thực tế các lĩnh vực truyền thống sẽ không thể thiếu trong nền công nghiệp, dù ở giai đoạn phát triển nào. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành này rất lớn. Bên cạnh đó, những ngành học mà Việt Nam đang có thế mạnh như May mặc, Da giầy, Bảo quản nông sản… sẽ luôn cần nguồn lao động tốt với mức lương hấp dẫn. Các số liệu thống kê của ĐH Bách khoa Hà nội về việc làm và thu nhập của cựu sinh viên của các ngành học này cũng đã nói lên điều đó.

PGS Vũ Duy Hải khẳng định thí sinh hiện nay rất chủ động trong việc chọn ngành học theo sở thích. Tuy nhiên, nhiều thí sinh chưa thực sự tìm hiểu kỹ về các ngành học truyền thống, các ngành nghề mà Việt Nam đang có thế mạnh. Thí sinh chưa nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc chọn ngành học phù hợp nhất với sở trường, thế mạnh của mình để sau khi tốt nghiệp sẽ có được ưu thế trong tìm kiếm việc làm với mức lương hấp dẫn.

Do đó, PGS Vũ Duy Hải khuyên bên cạnh sở thích hay niềm đam mê đã dành cho ngành dự định học, thí sinh hãy dành thời gian tìm hiểu thêm, tham khảo ý kiến từ người thân hay từ các thầy cô tư vấn hướng nghiệp để lựa chọn ngành học phù hợp nhất với năng lực của bản thân, phù hợp với điều kiện của gia đình để sau đó có thể phát huy tối đa thế mạnh trong môi trường ĐH; tạo nhiều ưu thế cạnh tranh sau khi tốt nghiệp. Thí sinh nên tránh việc chọn ngành học theo xu thế, theo số đông, đánh mất đi sở trường của bản thân.

 

Trước đó, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết ngày 9/4, thí sinh có thể tham gia thi thử kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 tại nhà bằng hình thức trực tuyến. Cổng đăng ký dự thi Đánh giá tư duy sẽ mở từ 30/3 đến 30/4.

Theo tienphong.vn