Trò chuyện cùng thầy Hiệu phó mê đi xe đạp
Monday, 25/11/2019, 21:55
PGS TS Trần Văn Tớp hàng ngày đi xe đạp tới trường. Ảnh: Duy Thành (http://bulletin.hust.edu.vn/)
Một ngày cuối tuần nào đó, nếu gặp một người đàn ông trung niên đeo ba lô, quần áo giản dị, đi xe đạp, khuôn mặt háo hức trước các đường ngang/ngõ tắt/lối rẽ như muốn khám phá, trải nghiệm xem đường sẽ đi tới đâu, thông với ngách, đường nào… thì chắc chắn đó là PGS. Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội – Người được nhiều sinh viên, đồng nghiệp trìu mến gọi: “Người mê đi xe đạp nhất Bách khoa”!
Đi ô tô rất… khổ!
Hỏi chuyện PGS. Trần Văn Tớp “nguồn cơn” của đam mê đi xe đạp, ông tâm huyết chia sẻ:
4 năm nay tôi đạp xe đi làm và cảm thấy cuộc sống đơn giản hơn, vui hơn. Ở Bách khoa, đi xe đạp có phần hơi… lạc lõng. Nhiều người bảo tôi tội gì phải vất vả, sao không đi ô tô
cho đỡ mưa nắng. Có người thì thán phục quyết tâm của tôi!
Nói thật, có hai nguyên nhân để tôi đi xe đạp: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và để
rèn luyện sức khỏe. Dù chuyển từ đi ô tô sang đi xe đạp, chính tôi bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, phải đeo khẩu trang để chống khói bụi nhưng tôi hy vọng với hành động này tôi sẽ giảm được ô nhiễm môi trường. Còn về sức khỏe, khi lên BGH công tác, ít vận động nên có phần phát phì, việc tập gym và đạp xe đi làm khoảng 6,5 km/sáng đã giúp tôi thon gọn hơn, bền bỉ, dẻo dai hơn. Chính vì thế, hàng ngày dù ngày nắng hay mưa tôi vẫn… “hiên
ngang” đạp xe.
Tôi cũng rất hay đi xe bus. Những ngày phải đi công tác, tôi đi phương tiện công cộng từ nhà đến trường để có thể mang đồ đạc theo. Ở Trường ĐHBK Hà Nội hiện nay có nhiều sinh
viên và một số thầy cô cũng đi xe bus đi làm. Tôi nghĩ mọi người sẽ cảm thấy rất hạnh phúc vì góp phần cải thiện môi trường, điều kiện sống của chính mình.
Tôi mong ước có thêm nhiều sinh viên sử dụng phương tiện công cộng khi đi học. Theo đó, thành phố cần có nhiều phương tiện công cộng hơn. Mỗi người chúng ta có trách nghiệm chung thì môi trường sẽ sạch hơn, không khí sẽ trong lành hơn.
Ngoài lý do bảo vệ môi trường và tốt cho sức khỏe, đi xe đạp có mang lại cho ông niềm vui và cảm hứng gì không?
Cách đây 35 năm, lúc ấy chưa có nhiều người đi xe máy, tôi đi xe cuốc Liên Xô, sau tôi cũng tìm cách mua được cái xe máy cà tàng, khá giả hơn thì “lên đời” xe Future. Đến năm 2011 thì mua được xe ô tô. Lúc đó cứ nghĩ cuộc đời mình thế là “oách” rồi. Nhưng mà không phải thế, đi ô tô tôi thấy khổ lắm! Đi xe đạp như hiện tại… sướng hơn! Giờ sáng dậy thấy mưa rào là tôi rất buồn vì không được đi xe đạp. Có sáng mưa, lên xe buýt, ngó ra thấy mưa nhỏ thôi, thế là lại tiếc mãi vì không đi xe đạp!
Có một điều lạ là không ít ánh mắt cho rằng những người có vẻ có điều kiện chọn đi xe đạp, đi xe bus là… không bình thường! Có lẽ tôi may mắn khi không bị nói là “hâm” nhưng cũng có người nói đùa là: Ở trường chỉ có thầy và mấy bà lao công đi xe đạp! (cười). Thực ra, từ sau khi tôi đạp xe đến trường, tôi thấy một số thầy cô giáo, cán bộ cũng chuyển sang phương tiện này. Cũng vui vui, vì có anh em ủng hộ!
Tôi còn có cả xe đạp ở quê. Mỗi lần về quê, tôi để ô tô một chỗ, lấy xe đạp đi 8-9 km thăm
bạn bè. Thậm chí, mùng 2 tết, tôi đạp xe một đoạn đường dài, xuất hiện trước nhà bác tôi cùng một “con” xe đạp. Tôi có một thú vui là rất hay đạp xe không định hướng, luồn lách trong các ngõ nhỏ. Có lần thấy một con ngõ, tôi cứ đi xe vào. Nhiều người trong ngõ ngạc nhiên lắm, không hiểu cái anh quần short, áo may ô, đội mũ kia hăm hở đạp vào làm gì, đường cụt mà! Sau những lần khám phá như vậy, tôi tìm ra những con đường tránh, đường tắt mà nhiều người ở Hà Nội không biết.
Có những buổi rỗi rãi, 5.30 sáng tôi đã dắt xe ra đường, đạp xe ra phía sân vận động Mỹ Đình, cứ đạp mãi, dừng lại hỏi đường thì biết là đã đi đến Sơn Đồng cách Hà Nội 19 – 20km! Thế là lại đạp 20km để về, tìm đường theo google maps. Rồi lại miên man nghĩ: Thú vị thật, đi theo một đường tròn sẽ về chỗ cũ, nhưng lại không về chỗ cũ nữa!
Tôi mong có một nhóm bạn để vào Thứ Bảy, Chủ nhật rỗi rãi có thể đạp xe lên Ba Vì. Nhưng tiếc là đến giờ vẫn chưa thỏa ước nguyện!
Dường như việc đơn giản lại cuộc sống khiến ông lạc quan hơn. Ông có kế hoạch lan tỏa những gì điều ông đang làm vì một cuộc sống xanh không?
Cuộc sống của tôi đơn giản, nhưng tôi không đơn giản với bạn bè hay đồng nghiệp! Trong BGH Trường ĐHBK Hà Nội, có lẽ tôi là người hơi “cứng”! Đợt nào cũng tự kiểm điểm phải rút kinh nghiệm nhưng không bao giờ rút kinh nghiệm được, vì đó là tính cách rồi!
Tôi nghĩ mỗi người có trách nhiệm và lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường. Facebook của tôi có khá nhiều học sinh, sinh viên tương tác, là nơi tôi chia sẻ nhiều suy nghĩ, quan điểm, trăn trở về môi trường, xử lý rác thải, nhưng rất cẩn trọng trong cách viết. Ví như một “tút” gần đây, tôi chia sẻ “Hôm nay ai đó tặng tôi bó hoa rất đẹp, nhưng tôi không cảm thấy vui lắm. Giá bó hoa này ít nilon bọc ngoài thì vui hơn…”. Tôi chọn cách viết gián tiếp nhẹ nhàng như vậy.
Bảo vệ môi trường: Góp gió thành bão!
Thời gian qua, ô nhiễm không khí và môi trường đã khiến nhiều người thay đổi hành vi, thói quen để góp sức bảo vệ môi trường. Với Trường ĐHBK Hà Nội thì sao, thưa ông?
Trường ĐHBK Hà Nội đã thay đổi thói quen. Chúng tôi đã bắt đầu và sẽ không sử dụng các chai nước nhựa mà dùng chai thủy tinh, nói không với plastic. Trước vấn đề ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sinh viên Bách khoa cũng có những sáng kiến rất hay. Như các em đề xuất nếu dùng hết pin, thay vì vứt vào thùng rác, hãy thả pin vào một cái chai, khi nào đầy bình sẽ có nơi thu gom. Trong lúc chưa tìm ra cách xử lý tái chế thì chôn viên pin trong chai nhựa.
Tôi cho rằng đó là một cách góp sức. Nếu có người nói thay đổi như vậy không xứng tầm, một trường ĐH đẳng cấp quốc tế cần những thay đổi to tát hơn, ông sẽ nói gì?
Tôi cho rằng hãy bắt đầu bằng cách làm cả việc to và việc nhỏ. Nếu không làm được việc nhỏ thì sẽ khó làm được việc to. Ngay cả những người làm việc rất to cũng nên làm việc nhỏ nếu việc này có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Bất cứ cá nhân, tập thể nào cũng cần có trách nhiệm với môi trường và bắt đầu từ những việc nhỏ, không chỉ vì chính ta mà
vì người khác nữa.
Còn về ý kiến một trường ĐH đẳng cấp phải làm việc lớn, chúng tôi đã, đang và sẽ kiên trì, tiếp tục theo đuổi những nghiên cứu, sáng chế giúp bảo vệ môi trường! Nhưng góp gió mới thành bão, một cơn gió mạnh thì chưa thể thành bão, nhưng nhiều cơn gió nhỏ sẽ có sức mạnh. Tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên của Bách khoa chúng tôi đang chung tay để làm nên việc lớn đó!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
“Vì sao chúng ta cứ tranh cãi Hà Nội có xếp thứ nhất/ thứ nhì về ô nhiễm hay không mà không tìm giải pháp bảo vệ môi trường? Với tôi, môi trường là của chung, chất lượng cuộc sống không chỉ là vật chất hay tinh thần mà còn là không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, không gian chúng ta hưởng thụ… Mỗi người với sức đóng góp nhỏ bé của mình cần hạn chế nguồn gây ô nhiễm. Nhà quản lý cần có những giải pháp kịp thời, đôi khi đừng ngại việc phải cấm, phải cưỡng chế.” – PGS Trần Văn Tớp
Theo bulletin.hust.edu.vn