Cựu nữ sinh Bách khoa Nguyễn Thị Anh Nhân: Cuộc gặp Sáu mươi năm nghĩa - tình trọn vẹn
Wednesday, 25/09/2019, 20:05
Với riêng bà Nguyễn Thị Anh Nhân - cựu nữ sinh khóa 3, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, người sáng lập Công ty Việt Hà, tác giả của nhãn hiệu bia Halida nổi tiếng còn là một mùa Thu trọn vẹn ân tình.
Ân tình… để hẹn một ngày
Cơn mưa nhỏ mang đến tiết trời thu Hà Nội đẹp nao lòng. Cái sự se se lạnh đầu tiên của Trời đất như để chiều lòng người hoài niệm. Sáu mươi năm, là chừng ấy lần gặp gỡ nhưng với những nữ kỹ sư – những cựu nữ sinh viên Bách khóa Hà Nội, mỗi lần một cảm xúc, mỗi lần một dư vị yêu thương…
Hẳn những ai ngồi dự tại Hội trường C2 Đại học Bách khoa Hà Nội hôm ấy đều nhớ những lời phát biểu của PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng nhà trường trong buổi Gặp mặt truyền thống Cựu nữ sinh Đại học Bách khoa nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường – lời phát biểu ấy như đã khái quát lên tất cả: “Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo được hàng trăm ngàn kỹ sư, Thạc sỹ và Tiến sỹ, trong đó có hàng chục ngàn nữ kỹ sư, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thật vậy, trên chặng đường phát triển của đất nước, nhiều nữ kỹ sư sau khi ra trường công tác đã trở thành các nhà khoa học uy tín, nhà giáo mẫu mực, nhà lãnh đạo và quản lý giỏi, các doanh nhân tiêu biểu, các cán bộ kỹ thuật chủ chốt của nhiều lĩnh vực.
Và với tài năng cùng những đóng góp của mình, trong số ấy, nhiều chị đã gặt hái được những thành công trong khoa học và đã nhận được những giải thưởng cao quý như: Giải thưởng cho các nhà khoa học nữ đặc biệt xuất sắc KOVALEVSKAIA, giải VIFOTEC, giải WIPO, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhiều chị mang học hàm học vị cao như Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ; nhiều chị đã trở thành những nhà nữ doanh nghiệp tài năng với vai trò Tổng Giáo đốc, Giám đốc…
Nữ kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội với số đông hàng vạn người trong những năm qua đã và đang cống hiến hết sức mình với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, với trang bị kiến thức vững vàng về khoa học kỹ thuật trên ghế nhà trường và tôi luyện trong thực tế, đội ngũ ấy đã và đang góp sức lực, trí tuệ vì một xã hội nhân văn và tiến bộ. Và nhiều chị - những nữ kỹ sư ngày nào đã để lại cho trường những thế hệ kế tiếp là những người con ưu tú rất đáng tự hào…
Những gương mặt của mấy mươi năm về trước và hôm nay hiện diện giữa mái trường, dường như tất cả đều tạm quên đi thời gian, quên đi tuổi tác, họ về lại trường trong niềm vui hội ngộ, trong tà áo dài nền nã… Họ như được sống lại tuổi đôi mươi của những cô nữ sinh hồn nhiên, trong trắng. Trường xưa, bạn cũ, ký ức ùa về như thước phim chiếu chậm…
Này đây, trường xưa trên mảnh đất của Đông Dương học xá cũ; ký ức những năm tháng khó khăn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười; ký ức về những lần được đón Bác Hồ đến thăm trường, những lần đón nguyên thủ quốc gia các nước; hay ký ức về những ngày thực tập cuối khóa, những ngày đi lao động thực tế… Quá nửa thế kỷ đã đi qua, mà tất cả hãy còn như vừa mới diễn ra, vẹn nguyên cảm xúc.
Thật khó tin, ngôi trường vốn nổi tiếng dành riêng cho nam giới bởi độ “khó dằn”, lại đã đào tạo được hàng vạn nữ kỹ sư. Những cựu sinh viên khóa đầu tiên ấy (1956), người trẻ nhất cũng ở tuổi trên dưới 80… Trên khắp nẻo đường của Tổ quốc thân yêu, dấu ấn của những nữ kỹ sư Bách khoa in dấu trong những công trình trên con đường xã hội hóa, hiện đại hóa đất nước. Họ có mặt trong mọi lĩnh vực, trong các nông trường, nhà máy, đã vượt qua mọi khó khăn nỗ lực vươn lên, tô đậm và làm vẻ vang truyền thống của nữ sinh Bách khoa Hà Nội Anh hùng.
Và cái kết có hậu
Có lẽ hình ảnh xúc động nhất, ấn tượng nhất ở Hội trường C2 của buổi họp mặt cựu nữ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm, không phải ở hình ảnh lấy đi nước mắt thường thấy mà là hình ảnh của cả khán phòng cùng vỗ tay nhiệt liệt, hưởng ứng khi lời phát biểu ngoài kịch bản của Giáo sư Hoàng Văn Phong và sự ưu ái mà giáo sư đã dành cho người Trưởng ban liên lạc Hội cựu nữ sinh viên Đại học Bách Khoa Nguyễn Thị Anh Nhân.
Thay vì lời chúc mừng nhắc lại, GS.TS Hoàng Văn Phong – nguyên UVTU Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đặc phái viên của Chính phủ về tư vấn trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã hướng về người Trưởng ban liên lạc Hội cựu nữ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Thị Anh Nhân với những tình cảm đặc biệt.
Giáo sư Hoàng Văn Phong nói: “…Đây là chương trình ngoài dự kiến và đột xuất, vì vậy tôi mượn bó hoa này để tặng cho chị Anh Nhân vì nếu tôi biết trước là chị Nhân tròn 80 tuổi thì tôi đã có chuẩn bị quà tặng rồi. Chị Anh Nhân là người đáng được kính nể, quý trọng và là một nhà khoa học suất sắc, bởi chị đã có nhiều đóng góp cùng những công trình khoa học đã được đưa vào ứng dụng trong sản xuất đạt hiệu quả cao, chị còn là nhà quản lý giỏi và cũng là nhà sản xuất giỏi. Chính vì vậy, chúng ta kính phục và kính trọng chị...
Nhắc đến chị là nhắc đến một gương mặt rất đại diện cho trường Bách khoa, một đại biểu quốc hội, một doanh nhân Tâm – Tầm, một nhà khoa học giàu sáng kiến và đặc biệt là một trong những nữ sinh viên trường Bách khoa Hà Nội của những khóa đầu tiên. Tôi xin thay mặt tất cả - rất nhiều hàng vạn, hàng chục vạn anh em cựu sinh viên, cựu cán bộ của nhà trường trước đây, hiện nay và thay mặt các anh có mặt ở đây được nhiệt liệt chúc mừng sự thành công của hội cựu nữ sinh viên Bách Khoa, trong đó có vai trò rất lớn và quan trọng của người đứng đầu, người truyền lửa cho hầu hết các hoạt động của Hội cựu nữ sinh Bach khoa từ năm 1992 đến nay - chị là Nguyễn Thị Anh Nhân, xin chúc chị và gia đình sức khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống và chúng tôi xin ghi nhận những tình cảm đặc biệt cùng những việc làm đầy nghĩa tình của chị và gia đình đã dành cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong đó có chúng tôi trong suốt nhiều nhiêu năm qua…”.
Một đại biểu quốc hội, một nhà khoa học, một doanh nhân - Phải chăng, không ngẫu nhiên, một người đứng đầu Bộ Khoa học Công nghệ, hiện đang là đặc phái viên của Chính phủ lại như rất hiểu và dành cho người phụ nữ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm những lời chúc mừng như để khẳng định. Người phụ nữ ấy chắc chắn phải rất đặc biệt, phải có những đóng góp hữu ích cho khoa học, cho Thủ đô và cho đất nước. Vâng, người nữ kỹ sư được nhắc đến đó không ai khác là bà – nữ sinh viên khóa 3, ngành hóa thực phẩm Nguyễn Thị Anh Nhân.
Không chỉ đỗ điểm vào trường ở Top cao nhất mà trong suốt quá trình học, bà luôn là một sinh viên ham học hỏi, đến khi ra trường, bước vào đời, Nguyễn Thị Anh Nhân vẫn tiếp tục thể hiện xuất sắc vai trò của mình trên mọi vị trí công tác. Bà còn là 1 trong 7 nữ sinh được vinh danh là tiêu biểu xuất sắc của Trường Đồng Khánh - Trưng Vương nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập trường…
Được coi là “một hiện tượng kinh tế của nhiều thập niên trước”, Kỹ sư Nguyễn Thị Anh Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XI, Tổng Giám đốc đầu tiên và cũng là người sáng lập, xây nền, dựng móng và gây dựng hình hài, tạo đà cho sự phát triển của Công ty Việt Hà. Bà là tác giả của nhãn hiệu bia Halida nổi tiếng, một sản phẩm được mệnh danh là "con đẻ của thời kỳ đổi mới". Bà không những là nhà quản lý năng động, xuất sắc mà còn là nhà khoa học nữ tài ba, có nhiều cống hiến cho sự phát triển của ngành thực phẩm vi sinh.
Bà Nguyễn Thị Anh Nhân đã được nhận nhiều giải thưởng khoa học trong nước và quốc tế: 12 bằng Lao động sáng tạo, Huy chương Vàng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, giải thưởng nhà khoa học nữ xuất sắc KOVALEVSKAIA, 02 lần nhận Giải VIFOTEC các năm (1993, 2002), Giải thưởng Thăng Long Hà Nội...
Với những cống hiến hết sức lớn lao đó, cá nhân bà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu như: Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…Còn với tập thể mà Bà Nguyễn Thị Anh Nhân đã dày công gây dựng nên, với những thành tựu đã đạt được cùng những đóng góp thiết thực cho Thủ đô và đất nước, Công ty Việt Hà cũng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý. Tiêu biểu trong đó là Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng vào năm 2006.
Xin mượn lời tâm sự của một thầy giáo – thầy Đỗ Quang Lưu đăng tải trên báo Phụ nữ Việt Nam cách đây hơn 20 năm để nói về bà Nguyễn Thị Anh Nhân: “Tôi vừa nhận được tin cô trò nhỏ “trưởng lớp 10B của tôi ngày xưa” vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia, giải thưởng dành cho các nhà nữ khoa học xuất sắc đúng vào dịp tôi tròn 70 tuổi – thật hạnh phúc biết bao”. Thế mới biết, gương mặt nữ tiêu biểu ấy đã luôn được nhà trường, thầy yêu, bạn quý dõi theo, hướng về ủng hộ và tự hào.
Vốn thông minh và kín kẽ mọi việc, ở tuổi 80, song hành cùng Hội cựu nữ sinh viên Bách Khoa, người phụ nữ của chiều sâu suy nghĩ ấy đã có cho mình một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa. Cuộc hội ngộ của nghĩa – tình – trách nhiệm mà có lẽ chỉ những người trong cuộc như bà mới cảm nhận được sâu sắc hơn ai hết… Một cái kết có hậu, ngoài sức tưởng tượng. Trong lòng những ai yêu mến bà, Nguyễn Thị Anh Nhân mãi là hình tượng bông hồng nhân lên triệu triệu bông hồng!