Với tổng số 6 bài giảng về các chủ đề khác nhau, chuỗi bài giảng Khoa học Kỹ thuật và Đời sống do Chi hội Nữ trí thức Bách khoa Hà Nội thực hiện hy vọng mang đến những kiến thức thú vị về lĩnh vực này, đồng thời, đánh thức và lan tỏa được tình yêu công nghệ trong mỗi sinh viên, đặc biệt là những học sinh đang đứng trước lựa chọn ngành nghề tương lai.

Chúng tôi luôn ấp ủ tổ chức những hoạt động nhằm đưa tới cho các em (học sinh, sinh viên) cái nhìn trực quan và rõ ràng nhất về khoa học, như: tổ chức những bài thực hành thí nghiệm sinh động, các bài giảng đại chúng,…” - GS.TS. Lê Minh Thắng, Chủ tịch Chi hội Nữ trí thức Bách khoa chia sẻ.

GS. Lê Minh Thắng cũng cho biết thêm, mỗi số sẽ là một chủ đề khác nhau nhưng đều thiết thực và gần gũi với các bạn học sinh, sinh viên. Các bài giảng được thiết kế mang tính thường thức, không đi quá sâu vào chuyên môn nhưng sẽ đủ để mọi người biết thế giới đang làm gì trong lĩnh vực này và chúng được ứng dụng ra sao trong cuộc sống, đi kèm với đó là những công nghệ lõi quan trọng nhất.

“Chúng tôi muốn khơi dậy niềm đam mê khoa học và công nghệ cho các bạn học sinh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường cho tới các bạn sinh viên đã và đang bắt đầu hành trình NCKH của mình.”

Theo kế hoạch, giai đoạn đầu, chuỗi bài giảng đại chúng “Khoa học Kỹ thuật và đời sống” gồm 6 số về các chủ đề: ô nhiễm môi trường và cách khắc phục, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong theo dõi, dự báo, thị giác máy tính, robot thông minh, sự gắn bó giữa hóa học với thiên nhiên và đời sống,… Mỗi chủ đề sẽ tương ứng với các ngành/nhóm ngành/chương trình đào tạo đang được triển khai tại ĐHBK Hà Nội.

Điều đặc biệt là các bài giảng đều được thiết kế và biên soạn bởi các nhà sư phạm, nhà khoa học nữ của Đại học Bách khoa Hà Nội như một minh chứng mạnh mẽ về vị trí và vai trò của nữ giới trong xã hội.

“Trước khoa học, trước kỹ thuật và tri thức, mọi người trên thế giới đều bình đẳng với nhau. Chúng ta sẽ không phân biệt được người giàu và người nghèo, hay người đến từ bất kỳ quốc gia nào, không phân biệt nam hay nữ.” – PGS.TS Lê Đức Tùng, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐHBK Hà Nội khẳng định tại buổi khai mạc và phát sóng số đầu tiên của Chuỗi bài giảng đại chúng.

Thời gian

Chủ đề

18/12/2021

Hiện trạng ô nhiễm không khí ở VN và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, dự báo

16/01/2022

(Trước Tết Nguyên đán)

Ứng dụng thị giác máy tính cho các ứng dụng trong nông nghiệp (đánh giá sức khỏe đàn ong, đánh giá tăng trưởng,...) và bảo vệ đa dạng sinh học./ nhận dạng hoạt động của người từ các cảm biến, ứng dụng trong đánh giá phục hồi bệnh nhân

13/02/2022

Tương tác người - robot

06/03/2022

(Chào mừng 8/3)

Thời trang và cuộc sống

03/04/2022

Robot thông minh và điều khiển robot

08/05/2022

Sự gắn bó giữa Hoá học - Thiên nhiên và Đời sống

05/06/2022

Khởi nghiệp

Chủ đề số đầu tiên của Chuỗi bài giảng phát sóng vào ngày 18/12/2021 vừa qua đã thu hút được đông đảo sinh viên và học sinh quan tâm tham gia bởi những thông tin thú vị, những câu hỏi gần gũi về nghiên cứu khoa học cũng như những vẫn đề hiện hữu, có tính ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày.

Số tiếp theo của Chuỗi bài giảng đại chúng online sự kiến diễn ra vào ngày 16/01/2022 với chủ đề: Ứng dụng thị giác máy tính cho các ứng dụng trong nông nghiệp (đánh giá sức khỏe đàn ong, đánh giá tăng trưởng,...) và bảo vệ đa dạng sinh học./ nhận dạng hoạt động của người từ các cảm biến, ứng dụng trong đánh giá phục hồi bệnh nhân.

Các số được phát sóng trực tiếp mỗi tháng một lần trên nền tảng MS Teams và Facebook miễn phí hoàn toàn cho khán giả trong và ngoài trường. Các em học sinh, sinh viên yêu thích các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, và quan tâm tới các ngành nghề, chương trình đào tạo của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có thể đăng ký tham gia chương trình tại đường link: https://bit.ly/3y1bNng. Ngoài ra, các em có thể cập nhật thông tin thường xuyên bằng cách truy cập nhóm Zalo trao đổi về chuỗi sự kiện tại: https://zalo.me/g/nypirn455.