Ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính mới là “lõi” gắn liền với công nghiệp 4.0
22-09-2020
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020 Việt Nam cần 1 triệu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin. Tính đến năm 2018, cả nước còn thiếu khoảng 400.000 nhân lực cho lĩnh vực này. Công nghệ thông tin là một lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo bài bản, vừa vững kiến thức chuyên môn vừa có khả năng ngoại ngữ.
Do đó, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) là ngành hot nhất trong các ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH hiện nay bởi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, các năm tuyển sinh vừa qua, ngành CNTT luôn có điểm chuẩn cao nhất ở các trường đại học.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2018, lượng hồ sơ nộp vào ngành CNTT tăng đột biến, tỉ lệ chọi tới 1/8, nhà trường xét tuyển theo tổ hợp A và A1, tổng trung bình của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 6 kỳ học THPT phải trên 20 điểm.
PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ngành CNTT của trường có 3 mã ngành đào tạo gồm: Khoa học máy tính (IT1), Kĩ thuật máy tính (IT2) và Công nghệ thông tin (IT3). Trong đó, ngành CNTT số lượng thí sinh đăng ký đông nhất.
Thầy Tớp cho rằng, nhiều thí sinh chưa hiểu sâu về các ngành học CNTT nên đổ xô vào ngành này. Thực ra, ngành Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính mới là “lõi” và gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, thí sinh dự thi nên tìm hiểu kỹ về ngành học này.
Ngành Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính mới là “lõi” gắn liền với công nghiệp 4.0
Thí sinh tham gia xét tuyển đại học năm 2019 tham khảo 3 ngành học trên hiện đang đào tạo tại ĐH Bách khoa Hà Nội xem khác nhau ở điểm nào:
Công nghệ thông tin
Sinh viên ngành này, có kiến thức nền tảng rộng và các định hướng ứng dụng chuyên sâu bao gồm Phát triển phần mềm hoặc Tích hợp hệ thống.
Với các kiến thức cập nhật chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực Phát triển phần mềm hoặc Tích hợp hệ thống, sinh viên tốt nghiệp hướng đến có tay nghề cao, có thể đảm nhận các vị trí công việc lập trình viên, lập trình viên chuyên sâu trong các ứng dụng đặc thù như ngân hàng, tài chính kế toán, hoặc trong các môi trường phát triển khác nhau như Android, Windows, Web, v.v.. hoặc quản trị, thiết kế, vận hành các hệ thống mạng hay máy chủ dịch vụ.
Kiến thức trang bị: Có kiến thức khoa học cơ bản và các kiến thức cốt lõi về ngành Công nghệ thông tin bao gồm hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế và phát triển phần mềm, quản lý dự án CNTT.
Kiến thức lập trình chuyên sâu trong các môi trường phát triển ứng dụng khác nhau; Qui trình phát triển phần mềm, đảm bảo chất lượng phần mềm; Kiến thức hệ thống mạng; Kiến thức các hệ thống máy chủ dịch vụ. Qui trình phân tích thiết kế & tích hợp hệ thống.
Các vị trí việc làm: Lập trình viên/kiểm thử viên, tại các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước; Nhân viên vận hành kỹ thuật mạng và các máy chủ dịch vụ của các doanh nghiệp lớn hoặc tổ chức nhà nước; Kỹ sư phát triển phần mềm, phân tích yêu cầu, thiết kế hệ thống giải pháp CNTT trong các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Kiến trúc sư, quản trị dự án, chuyên gia tư vấn, trưởng nhóm phát triển phần mềm, giám đốc kỹ thuật, điều hành trong các dự án phần mềm lớn và các công ty; Kỹ sư thiết kế, phát triển, đánh giá, quản trị dự án các hệ thống mạng cho các tổ chức doanh nghiệp hoặc cơ quan chính phủ.
Kỹ sư thiết kế, tích hợp các hệ thống sử dụng máy chủ dịch vụ như điện toán đám mây, các hệ thống máy chủ bán hàng, các hệ thống dịch vụ đảm bảo an toàn bền vững..
Kỹ thuật máy tính
Người học được đào tạo kiến thức cơ bản về toán, lý, điện tử số, thuật toán, cơ sở dữ liệu, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, kết hợp với kiến thức chuyên ngành về hạ tầng, các cơ chế kết nối, điều khiển, vận hành, an toàn thông tin của hệ thống máy tính và mạng truyền thông dữ liệu.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật máy tính có đủ năng lực phát hiện và giải quyết bài toán xây dựng, triển khai phần cứng và phần mềm của các hệ thống tính toán ở các quy mô khác nhau.
Kiến thức: Nắm vững các kiến thức Toán và khoa học cơ bản, toán cho công nghệ thông tin để áp dụng vào giải quyết các bài toán kỹ thuật.
Khả năng áp dụng các kiến thức cơ sở cốt lõi ngành bao gồm hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phát triển phần mềm, an toàn an ninh thông tin, xử lý mã hoá thông tin và tín hiệu, dịch vụ mạng.
Nắm vững và có khả năng áp dụng các kiến thức chuyên ngành, tiếp cận các định hướng ứng dụng về Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu, An toàn thông tin, Máy tính và hệ thống nhúng trong xây dựng và phát triển các hệ thống, dịch vụ, giải pháp kỹ thuật Kỹ thuật máy tính.
Các vị trí việc làm: Lập trình viên phát triển phần mềm cho các hệ thống tính toán, đặc biệt là hệ thống có kết nối mạng; Kỹ sư hệ thống mạng máy tính, mạng Internet vạn vật, kỹ sư an toàn an ninh cho mạng truyền thông số liệu; Kỹ sư thiết kế và xây dựng phần mềm cho hệ thống nhúng, đặc biệt là các hệ thống tiên tiến như ô tô tự lái, robot thông minh, hệ phân tán thời gian thực.
Khoa học máy tính
Sinh viên có kiến thức cốt lõi ngành; có khả năng vận dụng kiến thức chuyên sâu của một trong các định hướng của ngành: Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo để phân tích thiết kế, giải quyết vấn đề và đánh giá các giải pháp tiềm năng, có năng lực xây dựng và quản trị các hệ thống thông minh.
Kiến thức: Có kiến thức khoa học cơ bản và các kiến thức cốt lõi về ngành Khoa học máy tính bao gồm hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế và phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu, quản lý dự án…
Tùy theo định hướng lựa chọn, người học được trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu:
+ Định hướng kỹ nghệ phần mềm: các phương pháp, quy trình, kỹ thuật và công cụ trong việc phát triển phần mềm, quản lý các dự án phần mềm.
+ Định hướng hệ thống thông tin: các phương pháp, kỹ thuật và công nghệ để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin và phát hiện tri thức nhằm thiết kế, phát triển, vận hành, bảo trì và đánh giá các hệ thống thông tin.
+ Định hướng Khoa học dữ liệu: các kỹ thuật và công nghệ để thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn nhằm cung cấp giải pháp tiềm năng dựa trên dữ liệu đối với các ứng dụng phức tạp trong thực tế.
+ Định hướng trí tuệ nhân tạo (TTNT): các phương pháp mô hình toán học cho các lớp bài toán trong TTNT. Hiểu biết về công nghệ tri thức, về trí tuệ tính toán; sử dụng thành thạo các công cụ, nền tảng trong phát triển các ứng dụng TTNT.
Các vị trí việc làm: Lập trình viên/kiểm thử viên, tư vấn, giám sát chất lượng, quản trị dự án, trưởng nhóm phát triển. Nhân viên kỹ thuật phòng Công nghệ thông tin của các doanh nghiệp lớn hoặc tổ chức nhà nước.
Kỹ sư phát triển phần mềm, xây dựng giải pháp và dịch vụ CNTT-TT; Kiến trúc sư, quản trị dự án, chuyên gia tư vấn, trưởng nhóm phát triển phần mềm, giám đốc kỹ thuật…
Kỹ sư tư vấn, thiết kế, xây dựng, đánh giá và quản trị CSDL, các HTTT cho các doanh nghiệp, tổ chức; Kỹ sư hệ thống thiết kế, xây dựng và đánh giá các giải pháp (tích hợp) các doanh nghiệp, tổ chức.
Kỹ sư dữ liệu tại các công ty phân tích, xử lý, cung cấp dịch vụ trên dữ liệu; Kiến trúc sư dữ liệu, kỹ sư phân tích dữ liệu cung cấp giải pháp cho các bài toán phức tạp dựa trên dữ liệu lớn.
Kỹ sư phụ trách nghiên cứu và phát triển các phần mềm điểu khiển robot, xe tự lái, giám sát giao thông…Kỹ sư phụ trách nghiên cứu, phát triển và vận hành các phần mềm tối ưu hoá sản xuất, phân phối hàng hoá…