Trong bối cảnh Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện tại, ngành Hệ thống thông tin quản lý (MIS- Management Information Systems) là ngành học thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Anh Phạm Thảo, Cựu sinh viên HTTTQL K45 - Anh Thảo về giao lưu với sinh viên Viện Toán ứng dụng và Tin học trong buổi sinh hoạt công dân và định hướng ngành nghề.

Trong bối cảnh Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện tại, ngành Hệ thống thông tin quản lý (MIS- Management Information Systems) là ngành học thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Vậy học ngành Hệ thống thông tin quản lý, ra trường làm gì? Đa phần cựu sinh viên HTTTQL của ĐHBKHN đã trở thành Chuyên viên phát triển phần mềm quản lý tại các công ty CNTT, bưu chính, viễn thông, thương mại điện tử, các tập đoàn công nghệ, …; hay Chuyên viên tin học, quản trị dự án, chuyên viên phân tích nghiệp vụ (BA) tại các doanh nghiệp, xí nghiệp, các công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, các cơ quan hành chính nhà nước,… Một số ít hơn thì làm Chuyên viên thống kê phân tích, dự báo, hoạch định tại các ngân hàng, công ty tài chính, các doanh nghiệp,… Nhưng học HTTQL có thể trở thành giảng viênđược chứ? Cuộc gặp gỡ với anh Phạm Thảo, cựu sinh viên HTTTQL K45, sẽ cho chúng ta câu trả lời.

-      Em chào anh, anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và công việc của anh được không ạ? Cảm xúc của anh như thế nào khi nhận được lời mời phỏng vấn?

Chào em, anh là Phạm Thảo, hiện đang là Giảng viên - Q. Trưởng bộ môn CNTT - Viện CNTT Kinh tế - Trường đại học Kinh tế Quốc dân. Anh rất vui khi được mời phỏng vấn từ mạng lưới cựu sinh viên Viện Toán ứng dụng và Tin học.

-     Anh có thể nói qua về quá trình công tác và giảng dạy của mình được không ạ? (cụ thể thì anh đã công tác bao lâu, giảng dạy những môn nào?...)

Hiện tại, công việc chính của anh là giảng dạy sinh viên Ngành Khoa học máy tính và Ngành Công nghệ thông tin. Anh bắt đầu tham gia giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế quốc dân từ năm 2008, đến nay là vừa tròn 10 năm. Anh tham gia giảng dạy các môn như: Phân tích thiết kế thuật toán; Lập trình ứng dụng; Thiết kế và lập trình Web; Quản lý dự án Công nghệ thông tin; Công nghệ phần mềm.

-       Em tò mò là điều gì đã khiến anh bén duyên với nghề giáo vậy ạ? Khi còn là sinh viên thì anh có định hướng rằng sau này mình sẽ trở thành một giảng viên không?

Thực sự thì khi học tại trường, anh cũng chưa nghĩ là sau này mình sẽ là một giảng viên. Ngay sau khi tốt nghiệp, anh được nhận vào làm Chuyên viên phát triển phần mềm tại Trung tâm Công nghệ thông tin Tập đoàn Điện lực Việt nam. Anh nghĩ rằng sẽ gắn bó lâu dài với công việc phát triển và triển khai phần mềm tại đây. Sau khi làm việc tại đây được khoảng 2 năm, anh bắt đầu tham gia giảng dạy chương trình đào tạo lập trình viên quốc tế tại Hà nội Aptech và thấy rằng mình phù hợp với công việc giảng dạy hơn. Chính vì vậy anh đã đăng ký và thi tuyển giảng viên tại Trường ĐHKTQD.

-      Người ta thường nói nghề giáo là nghề “gõ đầu trẻ” nhưng với giảng viên đại học thì không phải là “gõ đầu trẻ” mà là “gõ đầu thanh niên”, theo anh thì việc “gõ đầu thanh niên” có gì dễ và khó khăn hơn khi “gõ đầu trẻ”. Anh có thể chia sẻ cho chúng em biết một số khó khăn khi giảng dạy và cách anh đã khắc phục điều đó như thế nào không ạ?

Giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn là những nhiệm vụ chính của giảng viên. Liên quan tới Giảng dạy cho sinh viên thì việc “Giảng” và “Định hướng” là công việc thường xuyên. Với đặc thù của ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là định hướng chuyên sâu vào một lĩnh vực hẹp như định hướng phát triển phần mềm; định hướng thiết kế và triển khai vận hành hệ thống mạng; .... thì việc làm thế nào cho sinh viên thấy được và theo một lộ trình học cụ thể để đạt được một bộ các kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp cần thiết cho định hướng đó có lẽ là việc khó khăn nhất khi hướng dẫn cho sinh viên. Việc này có thể làm bằng cách kết hợp đưa vào ở nhiều chương trình: Chào sinh viên đầu khóa; Các buổi phát động sinh viên nghiên cứu khoa học; Các buổi nói chuyện sinh hoạt Câu lạc bộ CNTT; Các buổi đối thoại sinh viên ... 

-      Có điều gì khiến anh tự hào khi là một giảng viên không, anh có thể chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ của mình với sinh viên được không ạ?

Anh cảm thấy tự hào khi mình là một giảng viên được giảng dạy đúng chuyên ngành mà mình đã được đào tạo. Việc đi dạy sẽ là cơ hội cho bản thân có thể được tiếp xúc với nhiều sinh viên; được trao đổi và chia sẻ không những cả kiến thức và cả những gì mà sinh viên chưa nhìn thấy được liên quan tới kỹ năng và hướng nghiệp...

-      Có nhiều bạn sinh viên thắc mắccần có điều kiện gì về chuyên môn và bằng cấp để trở thành một giảng viên, anh có thể giải đáp cho chúng em biết được không ạ?

Với sinh viên khối ngành kỹ thuật, được đào tạo chính quy tại các trường, khi muốn trở thành giảng viên, các em cần tham gia khóa học và cấp chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm đại học do các Trường đại học tổ chức ví dụ như: Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội,... Ngoài ra, cần trau dồi kỹ năng trình bày và thuyết trình.

-       Hẳn anh là một người có chuyên môn cực kì tốt, vậy khi còn là sinh viên anh đã học tập như thế nào và những kiến thức đó đã giúp gì cho anh trong công việc sau này?

Các kiến thức về chuyên môn thực sự được tích lũy và học tập khi vào học Chuyên ngành Toán - Tin tại trường ĐHBKHN. Phải nói rằng là đây là một môi trường học tập tuyệt vời với các Thầy cô là những người rất tận tâm, có kiến thức chuyên môn tốt và rất nhiều kinh nghiệm thực tế. Các môn học đã được các Thầy cô sắp xếp rất khoa học, chính vì vậy quá trình học tại trường, anh đã lần lượt tích lũy các kỹ năng và kiến thức để có thể sớm bắt tay vào làm các bài toán ứng dụng thực tế. Hồi đó, anh đặc biệt tập trung vào các môn trong nhóm phát triển kỹ năng lập trình; kỹ năng phân tích thiết kế; kỹ năng xử lý dữ liệu và phát triển ứng dụng. Bên cạnh đó, điểm nhấn chính là thực sự dành thời gian trong việc giải quyết những bài toán thực tế khi học và làm các môn đồ án. Những kiến thức tích lũy đó đã giúp anh nhanh chóng tiếp cận với hệ thống phần mềm tại đơn vị mà anh làm việc.

-       Cái gốc là một sinh viên Toán-tin giúp anh có lợi gì trong việc trở thành một giảng viên?

Việc học Toán - Tin ở Trường ĐHBKHN giúp anh có một nền tảng kiến thức tốt cộng với thời gian đi làm thực tế, giúp anh rất nhiều trong việc trở thành một giảng viên.

-       Ngoài kiến thức chuyên môn thì theo anh để trở thành một giảng viên tốt thì còn cần những kiến thức và phẩm chất gì?

Ngoài kiến thức chuyên môn thì kinh nghiệm thực tế và sự tận tâm, yêu nghề là những phẩm chất cần có để trở thành giảng viên.

-     Có nhiều ý kiến cho rằng mức lương của giảng viên khá thấp so với các ngành nghề khác, anh nghĩ sao về ý kíến này? Ngoài việc là một giảng viên thì hiện nay anh còn công việc “tay trái” nào không ?

Là giảng viên tại một trường đại học, thực tế thời gian giảng dạy của mình cũng không nhiều cho nên mức lương cũng không cao. Ngoài thời gian giảng dạy, anh tham gia thực hiện các nghiên cứu và tư vấn liên quan tới Công nghệ thông tin.

-       Anh thấy môi trường của Bách Khoa và Kinh tế quốc dân có gì khác nhau? CNTT của Bách khoa có gì giống và khác với CNTT của KTQD?

Đều là Công nghệ thông tin, nhưng thời gian giảng dạy tại ĐHBK là 5 năm; Kinh tế Quốc dân là 4 năm; Đại học Kinh tế quốc dân cấp bằng Cử nhân Khoa học máy tính; Cử nhân Công nghệ thông tin; Thời gian các bạn sinh viên BK được trải nghiệm để làm đồ án chuyên ngành nhiều hơn; Sinh viên KTQD thì ngoài kiến thức chuyên ngành cũng được học thêm các kiến thức về kinh tế và quản lý.

-      Cũng khá lâu kể từ khi anh ra trường rồi, vậy điều gì làm anh nhớ Bách Khoa, nhớ Toán Tin nhất?

Điều làm anh nhớ nhất chính là môi trường học tập và giảng dạy tại trường ĐHBKHN rất tuyệt vời. Đặc biệt là các Thầy cô, cán bộ quản lý tại Viện Toán ứng dụng và Tin học rất thương và quan tâm tới các sinh viên.

-      Em cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn ngày hôm nay. Kính chúc anh sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!