Đó là khẳng định của PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội tại buổi tập huấn nghiệp vụ công tác tuyển sinh sau đại học diễn ra ngày 21/1/2021.

Theo PGS. Nguyễn Phong Điền, tuyển sinh sau đại học tại các trường hiện nay, nói chung, đang gặp nhiều khó khăn. Một số trường, thậm chí, không tuyển sinh được học viên cao học và nghiên cứu sinh, phải “đóng cửa” nhiều ngành. Ông cho rằng, phải có cách làm khác mới mong đạt được hiệu quả, vừa đảm bảo quy mô và chất lượng của công tác đào tạo sau đại học, vừa tạo được nguồn lực đóng góp vào những nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng cho xã hội.

Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Phong Điền cũng chỉ ra những điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh sau đại học của trường ĐHBKHN, như: chương trình đào tạo được thiết kế lại một cách tối ưu cho người học, nhiều học bổng hỗ trợ nghiên cứu…, đặc biệt là việc tạo điều kiện và nhiều cơ hội học tập cho sinh viên của trường, tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Ông nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, giảng viên phải thông tỏ định hướng phát triển của nhà trường, các thay đổi trong chương trình đào tạo, quy chế đào tạo,… để có thể tư vấn, hướng dẫn cho sinh viên khi cần thiết, không chỉ giúp sinh viên hiểu được quy định, quy chế của Nhà trường, mà còn truyền được cảm hứng học tập và nghiên cứu không ngừng cho các em”.

PGS. Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh cũng cho rằng, mỗi cán bộ, giảng viên cần xác định được vai trò quan trọng của mình trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là trong công tác tuyển sinh sau đại học giữa bối cảnh nhiều đổi mới này: “Các Viện đào tạo nên thay đổi cách tiếp cận và truyền thông đối với từng đối tượng; tổ chức các buổi tập huấn về tuyển sinh cho cán bộ, giảng viên, để mỗi cán bộ, giảng viên là một tư vấn viên chuyên nghiệp, để thông tin được xuyên suốt, tường minh, đến với từng sinh viên”.

Cũng trong buổi tập huấn, hơn 60 cán bộ và giảng viên tham gia đã cùng trò chuyện, trao đổi và giải đáp những thắc mắc liên quan đến mô hình đào tạo thạc sỹ tích hợp, điều kiện để học tích hợp, các thủ tục hành chính, chính sách đối với sinh viên nghiên cứu khoa học và giảng viên hướng dẫn , chương trình đào tạo,…

Theo PGS. Nguyễn Đắc Trung – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHBK Hà Nội, thời gian tới sẽ có nhiều điểm mới mẻ trong công tác tuyển sinh và xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học, ví dụ: hình thức tuyển sinh đầu vào phong phú hơn khi các trường được chủ động về tuyển sinh, quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ sẽ có nhiều điều chỉnh thuận lợi cho người học. Từ khóa 63 trở đi, sinh viên có thể hoàn thành đồng thời nhiều chương trình đào tạo (nếu có nguyện vọng) để trở thành cử nhân kỹ thuật, kỹ sư (180 tín chỉ) và thạc sỹ chỉ trong thời gian 6 năm.