Thạc sỹ Lê Viết Phương – Người chọn ngành Vật lý kỹ thuật với mong ước đem khoa học công nghệ xây dựng cuộc sống đẹp và bền vững
25-09-2019
“Mình học chuyên ngành Vật liệu điện tử, ngành này trang bị cho mình một lối tư duy tốt về tự nhiên và thiết kế hệ thống, có được định hướng tư duy này mình đã làm được nhiều lĩnh vực khác nhau. Như các bạn biết đấy, bây giờ Thế giới thay đổi rất nhanh, không phải một ngành tốt nó sẽ cố định được lâu dài. Quan trọng là mình trang bị được một cách tư duy tốt, thì khả năng thích nghi với sự thay đổi của các bạn càng cao.”
Cùng mình trò chuyện với thầy nhé!
Em chào thầy ạ. Hôm nay, em rất vui khi được thay mặt đội truyền thông Viện Vật lý kỹ thuật phỏng vấn thầy – một cựu sinh viên thành công của Viện. Trước tiên, thầy có thể giới thiệu về bản thân mình được không ạ?
- Chào em. Mình tên là Lê Viết Phương, cấp 3 mình học chuyên lý K41 - Lương Văn Tuỵ - Ninh Bình, vào Bách Khoa mình chọn Vật lý kỹ thuật, chọn chuyên ngành Vật liệu điện tử (K47). Hiện nay mình đang làm việc tại Bộ môn Quang học Quang điện tử, Viện Vật lý kỹ thuật, Trường ĐHBK Hà Nội.
Thầy có thể miêu tả về công việc hiện tại của mình được không? Thầy có thể chia sẻ với bọn em điều gì khiến thầy đặc biệt thích thú về công việc này được không ạ?
- Là giảng viên nên công việc của mình bao gồm giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Vềgiảng dạy, mình dạy một số học phần đại cương, bên cạnh giảng dạy, mình có hợp tác với doanh nghiệp bên ngoài. Cả hai công việc này mình đều yêu thích, mỗi công việc có một cái hay riêng.
ThS. Lê Viết Phương tại buổi giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp
Thưa thầy, từ khi còn học ở trường ĐH đến giờ chắc hẳn thầy đã trải qua nhiều thăng trầm trong công việc và cuộc sống, thầy có thể chia sẻ là theo thầy, điều gì sẽ khiến mình có thể vượt qua được các khó khăn trong cuộc sống; điều gì khiến mình gắn bó với công việc lâu dài hay điều gì khiến thầy lựa chọn công việc hiện nay; và những yếu tố nào làm nên thành công của thầy?
- Nói chung để vượt qua cuộc sống, thì bạn phải có một lý tưởng sống, nói cách khác nghĩa là phải có niềm tin mãnh liệt vào một cái gì đó, niềm tin đấy càng mạnh, thì sẽ càng dễ vượt qua những khó khăn. Từ điều đấy triển khai ra cuộc sống thì mình phải chọn những việc mình làm từ nhỏ đến lớn, để đạt được những thành công từ nhỏ nhất, những thành công sẽ là những nấc thang để mình bước tới những thành công lớn hơn. Còn chẳng mai nếu gặp thất bại, thì những thành công trước đó cũng sẽ giúp mình tự tin hơn để vượt qua những khó khăn đấy.
- Về lựa chọn công việc: nếu mình không được định hướng từ bé, và đây cũng là tình trạng chung hiện nay, đến khi mình tiếp xúc với xã hội mới tìm với hướng đi của mình thì có lẽ sẽ không kịp… nếu được định hướng từ sớm, khi bạn cảm thấy thích từ sớm, khi được thử, thì mới nhận thấy được công việc mà phù hợp với mình, phù hợp ở đây là bản thân có đủ năng lực để làm được với công việc đấy. Còn nếu bạn cảm thấy thích nhưng không có tài năng trong lĩnh vực đấy thì cũng khó mà đạt được thành công lớn.
Thầy thấy những nhân tố gì về năng lực hay kinh nghiệm mà các cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn/ những nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cần phải có ạ? Và theo thầy thì nhân tố nào là quan trọng nhất ạ?
- Vấn đề này công ty của mình cũng đang gặp, mình thấy rằng yếu tố quan trọng nhất đó là thái độ của nhân viên (với cuộc sống và công việc), khi mà có thái độ với công việc nghiêm túc, đúng đắn thì bạn sẽ có trải nghiệm và kinh nghiệm nhanh hơn những người khác.
Lễ Ký kết Biên bản Ghi nhớ với Đối tác Hàn Quốc
Em được biết, Bách Khoa nói riêng hay các trường đại học nói chung có rất nhiều chương trình đào tạo với những chuyên ngành khác nhau. Vậy lý do gì đã khiến thầy chọn học Vật lý Bách Khoa để học đại học giữa nhiều lựa chọn khác như ĐHKHTN và ĐHSP ạ?
- Thứ nhất, mình chọn học Vật lý kỹ thuật là do yếu tố lịch sử, mình học chuyên lý và mình thích môn này. Do niềm đam mê cá nhân. Nhưng sau khi ra trường thì mình nhận thấy là ngành Vật lý nói chung và Vật lý kỹ thuật nói riêng gắn với cuộc sống rất là nhiều. Vật lý rất gần và đúng với Triết học, đặc biệt là Triết học tự nhiên, nó thể hiện quy luật vận động tự nhiên nói chung. Nếu bạn học Vật lý tốt thì bạn sẽ có tư duy tốt về kỹ thuật và ứng dụng vào mọi công việc một cách nhanh chóng.
- Thứ hai, học Vật lý kỹ thuật bạn cũng sẽ được định hướng tốt hơn về lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật, các bạn sẽ hiểu và biết được những sản phẩm tốt hay không tốt nhanh hơn những ngành khác.
Sau từng ấy năm làm việc, thầy có cảm thấy việc lựa chọn học ở Viện Vật lý kỹ thuật - ĐH Bách Khoa là sự lựa chọn phù hợp cho bản thân thầy không ạ? ĐIều gì khiến thầy ưng ý nhất ở ngành Vật lý kỹ thuật trường mình ạ?
- Riêng ngành Vật lý kỹ thuật Bách Khoa thì mình thấy là đây là môi trường thầy cô rất gần gũi với sinh viên, và các bạn sẽ tận dụng được điều đấy tối đa. Bởi vì sinh viên số lượng không đông và các thầy cô thì rất tâm huyết và đam mê về khoa học, nên các thầy cô luôn sẵn sàng hỗ trự sinh viên rất nhiệt tình. Thật sự nếu so sánh với các trường khác thì đây là một môi trường rất gần gũi giữa giảng viên và sinh viên. Chính vì vậy các bạn có thể học hỏi từ các thầy cô vào bất kỳ thời điểm nào…
- Mình học chuyên ngành Vật liệu điện tử, ngành này trang bị cho mình một lối tư duy tốt về tự nhiên và thiết kế hệ thống, có được định hướng tư duy này mình đã làm được nhiều lĩnh vực khác nhau. Như các bạn biết đấy, bây giờ Thế giới thay đổi rất nhanh, không phải một ngành tốt nó sẽ cố định được lâu dài. Quan trọng là mình trang bị được một cách tư duy tốt, thì khả năng thích nghi với sự thay đổi của các bạn càng cao.
Ngoài việc học trên lớp, thầy có thường xuyên tham gia NCKH không ạ? và thầy tham gia từ khi nào ạ? Thầy có thể chia sẻ với các bạn sinh viên về quá trình nghiên cứu, hay những khó khăn cũng như những lợi ích có được từ NCKH không ạ?
- Mình tham gia NCKH từ năm thứ 3, mình thấy việc NCKH rất tốt và có ích với sinh viên, thay vì đi chơi thì các bạn giành thời gian đó cho việc NCKH, điều đấy làm các bạn sẽ trưởng thành hơn, mà rất đáng và không mất thời gian.
- Về khó khăn thì mình dường như không có vấn đề gì, chỉ rất nhỏ thôi, mình nghĩ các bạn cũng vậy, bởi vì NCKH các thầy cô sẽ hỗ trợ các bạn.
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đến thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm METAHERB tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Và Công Nghệ Việt Nam
Dựa trên những gì mà thầy đã chia sẻ, em chắc chắn rằng, những kiến thức, kỹ năng mà thầy đã học được ở ĐH giúp ích một phần nào đó cho thầy trong cuộc sống hiện tại ạ.
Đến thời điểm này, với kinh nghiệm của thầy, thầy có thể cho chúng em biết đánh giá của thầy về các môn học mà thầy cho là hữu ích nhất với thầy - môn học không chỉ đem lại kiến thức mà còn đem lại nhiều cách suy nghĩ mới, cũng như cách tư duy, kĩ năng,…? Bên cạnh đó, các hoạt động, các khóa học hay những kĩ năng gì theo thầy là cực kì cần thiết cho công việc của thầy hiện nay mà có thể rèn luyện từ khi là sinh viên?
- Nói thật với em, cái này mình không nhớ được… chắc là có quá nhiều, nên không thể kể… Quan trọng là cả một ngành sẽ cũng cấp cho các bạn những kỹ năng tư duy, rèn luyện bản thân. Từ thời sinh viên, mình đã quan tâm và học các lớp kỹ năng, mình nghĩ khi bạn học kỹ năng ngoài thì bạn sẽ tiếp xúc được rất nhiều người có kỹ năng tốt, và bạn sẽ học hỏi được từ họ, chẳng hạn như kỹ năng mềm, bạn sẽ mở rộng được cách nhìn của mình…
Chắc hẳn là thầy vẫn còn nhớ những kỷ niệm ấn tượng về trường, về Viện VLKT, về thầy cô, bạn bè khi còn là sinh viên ạ. Thầy có thể chia sẻ cho các bạn sinh viên về những kỉ niệm đáng nhớ khi còn học tập tại Viện VLKT không ạ?
- Như mình vừa nói, kỷ niệm mình thấy ấn tượng nhất là sự thay đổi lớn về môi trường sống, môi trường học tập, khác hẳn với việc học như ở cấp 3, thật sự nếu không làm quen được với môi trường ĐH thì các bạn sẽ thấy rất chán. Nhưng mình đã học hỏi từ các anh chị sinh viên đi trước, anh chị chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm học tập cũng như sinh hoạt. Ở ngành VLKT thì sự gắn kết giữa các thầy cô và sinh viên là rất cao. Những điều này là kỷ niệm ấn tượng nhất đối với mình.
Vậy còn những dự định của bản thân trong tương lai thì sao ạ? Thầy thấy khi đi làm rồi việc học thêm các kiến thức mới có cần thiết không ạ, và thầy dự định hay đã tham gia các khóa học để tăng cường kiến thức như thế nào ạ? Thầy có thể chia sẻ một chút không ạ?
- Mình luôn luôn đọc sách từ khi còn là sinh viên cho đến khi ra trường. Mình khuyên các bạn nên đọc sách và tham gia các buổi hội thảo, các khóa học ngắn, học trường lớp chỉ là bước đầu, việc tự học của bản thân là học cả đời và điều này không khi nào là thừa cả.
Thầy thấy chất lượng đào tạo ngành Vật lý kỹ thuật của trường đã đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà tuyển dụng chưa? và sinh viên cần tạo thêm cho mình những yếu tố gì ngay từ bây giờ ạ?
- Kiến thức của trường trang bị về kỹ thuật nói chung, nhưng các bạn có thể chưa áp dụng được ngay sau khi ra trường, mà cần phải có thái độ của các bạn và cách tư duy. Mình nghĩ Nhà trường cũng sẽ trang bị cho các em những cách tư duy phù hợp này ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thầy có điều gì muốn chia sẻ thêm với bạn bè, thầy cô và các em sinh viên khóa dưới của mình không ạ?
- Mình chỉ muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Viện Vật lý kỹ thuật, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, vì đã giúp mình tìm được một con đường phát triển cho riêng mình. Chúc các em sinh viên khóa dưới học tập tốt, phát huy được hết khả năng của mình và đạt được nhiều thành công trong học tập cũng như trong sự nghiệp sau này. Xin chân thành cảm ơn!
- Chúc các thầy cô luôn khỏe mạnh, và luôn nhiệt tình với sinh viên của Viện.
Em cảm ơn những chia sẻ rất cởi mở và hữu ích của thầy ạ. Chúc thầy đạt được những mục tiêu, thành tựu mới trong công việc của mình!
Thực hiện: Vũ Tiến Lâm - VLKT K61
Ứng dụng công nghệ Nano trong bào chế thảo dược: http://vov2.vov.vn/con-duong-tri-thuc/ung-dung-cong-nghe-nano-trong-bao-che-thao-duoc-c48-27297.aspx